Cô là mẹ đơn thân,ảohiểmrútmộtlầnrồihếgiải mã giấc mơ sống ở một vùng quê miền Trung. Hơn chục năm trước, hai con gái lần lượt vào TP HCM làm công nhân. Không lâu sau, cô cũng khăn gói vào Nam khi nghe con út nói nhà máy muốn tuyển tạp vụ. Khi đó, cô 42 tuổi.
Công việc của cô là lau chùi nhà vệ sinh, quét dọn xưởng may, thu gom vải vụn. Công ty ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Năm ngoái, khó khăn đơn hàng nên doanh nghiệp giải thể. Cô là một trong hơn 800 lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Lúc này cô đã 56 tuổi nhưng mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 14 năm.
Chưa đủ 20 năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu, cô vẫn có thể đi làm để tham gia tiếp. Tuy nhiên, cơ hội gần như không còn bởi "chẳng ai muốn tuyển một người già".
Tình thế buộc cô phải lựa chọn: Rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc đóng tự nguyện một lần cho sáu năm còn thiếu, đảm bảo đủ 20 năm tối thiểu để được nhận hưu trí hàng tháng. Mức hưởng được tính bằng 45% lương bình quân làm căn cứ đóng.
Cô nhẩm tính nếu chọn đóng tự nguyện với mức 5 triệu đồng, đúng bằng mức lương trước khi mất việc, tỷ lệ đóng 22%, tổng số tiền cô cần nộp cho 72 tháng còn thiếu gần 80 triệu.
"80 triệu là quá sức", cô nói. Sau nhiều ngày đắn đo, cô quyết định làm thủ tục rút bảo hiểm.
Cô Hoa nằm trong 9,6 triệu người lớn tuổi "mất hút" giữa các tầng an sinh - không có tên trong hệ thống bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ 80 tuổi để hưởng hưu trí xã hội, chiếm 65% tổng số người đến tuổi nghỉ hưu.
Để người già nhận một cục khi đã hết khả năng lao động không chỉ đẩy bản thân họ đến khó khăn mà còn góp phần tạo áp lực lên xã hội. Một khảo sát của Quỹ Bảo trợ người lao động Malaysia cho thấy 70% thành viên tiêu sạch số tiền nhận một lần trong vòng ba năm, kể từ khi họ rút hết tiền lúc nghỉ hưu. Cuối cùng, họ quay lại sống dựa vào trợ cấp của Chính phủ dành cho người nghèo.
Cô Hoa không muốn rơi vào cảnh tương tự nhưng không có lựa chọn nào khác và cô không phải trường hợp cá biệt. Tổng kết hơn bảy năm thi hành Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, có trên 60.000 người đã hết tuổi lao động nhưng phải nhận trợ cấp một lần do chưa đủ 20 năm đóng tối thiểu. Nguyên nhân là nhiều người đến 45-50 tuổi mới có cơ hội làm việc chính thức ở một doanh nghiệp.
Từ đó, dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi lần này đề xuất hạ năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu hàng tháng hơn, bao gồm những người tham gia muộn, hoặc có quá trình đóng bị gián đoạn.
Giảm thời gian đóng tối thiểu xuống 15 thậm chí 10 năm là khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 28.
Hạ năm đóng tối thiểu không ảnh hưởng gì tới lương hưu của những người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành. Lao động tham gia càng dài, tỷ lệ hưởng càng cao với mức tối đa đến 75%. Thế nhưng tại các cuộc góp ý, nhiều ý kiến lại bày tỏ lo lắng, thậm chí phản đối đề xuất này. Vì sao?
Vì đề xuất hạ năm đóng tối thiểu được đưa ra trong khi quy định cho phép rút bảo hiểm một lần có thể không bị xóa bỏ.
Hiện, với quy định năm đóng tối thiểu 20 năm, nhiều lao động đã làm việc đủ 19 năm vẫn quyết định nghỉ việc để chờ nhận trợ cấp một lần. Lo ngại đầu tiên là khi hạ xuống 15 năm, công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ để "nhận một cục", tức chu trình nghỉ việc của lao động ngắn lại, doanh nghiệp bị động về nhân lực hơn. Lo ngại thứ hai là lao động trẻ sẽ chia nhỏ quá trình làm việc, nghỉ việc rút bảo hiểm nhiều lần; do dự luật tạo cơ hội cho họ đủ thời gian "vào ra" hệ thống bảo hiểm xã hội. Nhưng khi đó, dù tích lũy đủ 15 năm, mức hưởng dự kiến của họ sẽ rất thấp: 33,75% với nam và 45% với nữ.
Theo Nghị quyết 28 đến năm 2025, Bảo hiểm Xã hội đặt mục tiêu bao phủ hưu trí cho 55% người trong độ tuổi nghỉ hưu, và đến 2030 là 60%, tức mỗi năm tăng một điểm %. Nếu giữ được nhịp này, đến 2069, Việt Nam phủ được lương hưu cho 99% người già. Con số hiện tại mới chỉ hơn 22%.
Khả năng khó đạt chỉ tiêu đề ra đã hiện rõ trước mắt nhưng một điều khoản tiến bộ để góp phần khắc phục tình trạng này đang bị "hàng rào" rút bảo hiểm xã hội một lần ngăn cản. Duy trì quyền rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với thu hẹp khả năng bảo vệ được nhiều người hơn.
Không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả đối tượng liên quan. Muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 10-15 năm thì đồng thời cần chấm dứt quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thiết kế chính sách nửa vời, hệ lụy là điều dễ nhìn thấy.
Lê Tuyết